Trợ giúp con sẽ tạo cảm giác an toàn, thuận lợi hơn... nhưng nếu bảo bọc quá mức, bạn trẻ dễ dàng thất bại, nản chí, mất "đề kháng" khi đối mặt với cuộc sống - Ảnh minh họa: AI
Trong những ngày thi, mọi người dễ dàng bắt gặp cảnh nhiều bậc phụ huynh làm rất nhiều thứ thay con. Phải chăng người trẻ mất hết "đề kháng" nên phải dựa dẫm hoàn toàn vào phụ huynh? Đây là hậu quả của cưng chiều con thái quá?
Mẹ mang đồng phục đến trường thi tìm conLúc 6h45 sáng 27-6, trong buổi thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, một người mẹ tất tả đến một điểm thi ở TP.HCM, dáo dác tìm con.
Bà cầm trên tay bịch đồ đựng đồng phục học sinh, cho biết: "Sáng nay thi mà con tôi ngủ dậy trễ, đi thi không mặc đồng phục, không biết có được vô phòng thi không…".
Thấy phụ huynh quá lo lắng, một giáo viên trấn an bà: "Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện không có hướng dẫn chi tiết nào về trang phục mà thí sinh cần mặc khi đi thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh tự do chọn lựa trang phục mà mình cảm thấy thoải mái nhất. Các em chuẩn bị vô phòng thi rồi, chị yên tâm về đi nhé!".
Nghe nói vậy, gương mặt bà mới giãn ra được chút và quay ra gốc cây gần cổng trường ngồi chờ con.
Trong buổi thi môn toán chiều cùng ngày, tại điểm thi khác ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), một thí sinh nữ vừa bước khỏi xe ô tô đã che mặt ù chạy vào trường thi, mặc cho phụ huynh gọi với theo để đưa món đồ gì đó.
Trò chuyện với chúng tôi, nữ sinh cho hay cách đây mấy tuần, ba mẹ đã lên kế hoạch, bàn xem ai sẽ xin nghỉ làm, ai phụ trách việc đưa đón bạn trong những ngày thi tốt nghiệp. "Dù tôi nhiều lần nói tự đi được nhưng ba mẹ vẫn nhất quyết không nghe. Mẹ tôi còn xin nghỉ làm từ hôm qua để lo hết mọi thứ, chuẩn bị tốt nhất cho con tập trung thi", nữ sinh chia sẻ.
Chọn ngành, đăng ký xét tuyển... đều phải nhờ phụ huynhKết thúc mỗi mùa tuyển sinh đại học những năm gần đây đều có nhiều tình huống éo le được ghi nhận, như đăng ký trường này lại đậu trường khác, điểm thi cao hơn điểm chuẩn lại rớt ngay chính trường đã đăng ký...
Trong nhiều chuyện khó tin nhưng có thật như trúng tuyển vào ngành không hề mong muốn, thậm chí đậu thành rớt, không thể không nói tới vai trò của chính thí sinh, những người được cho là "trưởng thành".
Trong các ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ tổ chức hằng năm, đặc biệt là các ngày hội tư vấn xét tuyển, số phụ huynh đến tham dự, đặt câu hỏi với chuyên gia có năm còn đông hơn cả thí sinh.
Không ít phụ huynh tỏ ra nặng lòng, đầu tư rất nhiều thời gian, công sức để đồng hành cùng con trong suốt mùa thi và tuyển sinh đại học.
Trong khi hiện nay để tìm hiểu thông tin tuyển sinh, quy chế thi cử chỉ cần vài cái click chuột, nhưng những chuyện như thí sinh không biết cách đăng ký xét tuyển, phải nhờ đến thầy cô và phụ huynh làm giùm là khá phổ biến.
Thực tế đã có không ít thí sinh do nhờ người khác làm giùm dẫn đến đậu vào trường, ngành học mình không mong muốn.
Đừng để người trẻ mất hết 'đề kháng'Thông thường, ngay sau khi công bố danh sách thí sinh trúng tuyển, trên website, fanpage các trường đại học đều có đầy đủ thông tin hướng dẫn nhập học. Mất chừng hơn 10 phút để đọc những thông tin này là thí sinh có thể nắm rõ những việc cần chuẩn bị sau khi trúng tuyển và tự tin bước vào giảng đường.
Thậm chí có trường lo thí sinh thiếu thông tin nên đăng cả bài viết kèm đồ họa công phu hướng dẫn tỉ mỉ chuẩn bị và sắp xếp thứ tự các loại giấy tờ...
Theo nhà trường, cách làm này nhằm "tránh tình trạng thí sinh thấy đậu rồi mà không biết ngày giờ, thủ tục nhập học"(?!). Có trường còn chuẩn bị thành lập đội sinh viên tình nguyện... tiếp sức tân sinh viên nhập học!
Nhiều cán bộ tuyển sinh các trường than thở họ đến là khổ với thí sinh. Tất tần tật mọi thông tin đều có đủ nhưng thí sinh vẫn cứ gọi điện thoại, nhắn tin... ngay trên fanpage để hỏi lại thông tin trường đã công bố.
Cán bộ tuyển sinh các trường cho biết thực tế có rất nhiều bạn trẻ gần như mất hết "đề kháng", phải dựa dẫm hoàn toàn vào phụ huynh từ việc chọn ngành, chọn trường đến cả nhập học cũng phải để phụ huynh "ra tay".
Không ít phụ huynh và cả thí sinh hỏi ngày nộp hồ sơ nhập học để... phụ huynh có thể đi thay. Lý do được đưa ra đều là "con tui gà công nghiệp lắm, khờ lắm, chẳng biết gì nên mình làm cho nhanh mà lại an tâm"(?!).
Trợ giúp con sẽ tạo cảm giác an toàn, thuận lợi hơn... nhưng nếu bảo bọc quá mức, phụ huynh không nghĩ đến các bạn trẻ sẽ dễ dàng thất bại, nản chí, mất "đề kháng" khi đối mặt với cuộc sống đầy thử thách phía trước mà không có trợ giúp?